Ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 182.000 người mắc lao
Ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 182.000 người mắc lao. Và khoảng 11.000 người tử vong do lao. Số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính; điều đó đồng nghĩa với việc, có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng, chưa được phát hiện và điều trị.
Theo thống kê, Chương trình Chống lao Quốc gia năm 2024 vừa qua đạt kết quả tốt. 113.000 ca bệnh lao được phát hiện, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ lao có bằng chứng vi khuẩn trên 72%, tỷ lệ điều trị thành công đạt 89%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 88%.
Tuy nhiên, theo BV Phổi Trung ương, việc điều trị bệnh lao đang gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là chủ quan khiến nhiều người đi khám khi bệnh đã ở tình trạng rất nặng; điều trị lao mất thời gian dài, đòi hỏi tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, mà phải bệnh nhân nào cũng kiên trì điều trị dứt điểm, khiến dễ tái phát, thậm chí chuyển sang giai đoạn lao kháng thuốc; tình hình lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc là thách thức trong điều trị lao…
Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống lao năm 2025, Việt Nam chọn chủ đề Cam kết, đầu tư và hành động để chấm dứt bệnh lao, nhằm “nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết bền vững, đầu tư nguồn lực và hành động hiệu quả cho các can thiệp phòng, chống lao; xác định đúng khó khăn cần giải quyết, đưa ra đúng phương pháp tiếp cận và huy động sự tham gia của cộng đồng thì chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra”. Bởi theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đang đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất; đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Bệnh lao thực sự ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình nói riêng và quốc gia; do đó, đầu tư chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững, giảm nguy cơ tử vong cho hơn 11.000 người/năm, giảm gánh nặng kinh tế cho hàng trăm nghìn hộ gia đình.
BV Phổi Trung ương khuyến cáo, hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao, cần: Tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao; Củng cố năng lực hệ thống KCB, cả công lập và tư nhân, nhất là hệ thống y tế cơ sở; kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh lao; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với hoạt động phòng, chống lao; tập trung kiểm soát các nhóm nguy cơ cao nhằm phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng, đưa vào “điều trị sớm theo Chương trình Chống lao Quốc gia nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao”…
Về phía người dân, trường hợp người mắc các thể lao nhạy cảm, cần đi KCB khi có triệu chứng nghi lao; tích cực tham gia khám sàng lọc chủ động bệnh hô hấp tại cộng đồng, trong đó sàng lọc tích cực bệnh lao trong các nhóm nguy cơ (tiểu đường, viêm phổi, bụi phổi, người cao tuổi…); khi được chẩn đoán và chỉ định điều trị, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị để điều trị dứt điểm.